Các đại biểu dự Hội thảo tham quan mô hình tự lắp ráp, gian trưng bày và trải nghiệm công nghệ của ngành Giáo dục và Đào tạo Quận Ngô Quyền
Đồng chủ trì Hội thảo có các đồng chí: TS. Vũ Minh Đức, Cục Trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo; GS.TS. Nguyễn Thị Mỹ Lộc Nhà giáo Nhân dân, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành giáo dục; Bùi Văn Kiệm, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố; TS. Phạm Văn Hà, Bí thư Quận ủy Ngô Quyền; Cáp Trọng Tuấn, Chủ tịch UBND Quận Ngô Quyền.
Các đồng chí chủ trì Hội thảo.
Đ/c Phạm Văn Hà - Bí thư Quận ủy trình bày báo cáo đề dẫn tại Hội thảo
Phát biểu đề dẫn hội thảo, Tiến sĩ Phạm Văn Hà, Bí thư Quận ủy nêu rõ, mục tiêu của hội thảo là đưa ra được các giải pháp trọng tâm để góp phần xây dựng Hải Phòng là trung tâm giáo dục và đào tạo của vùng duyên hải Bắc bộ theo tinh thần Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị và quận Ngô Quyền là địa phương nằm trong tốp đầu của thành phố về giáo dục và đào tạo.
Đ/c Cáp Trọng Tuấn - Chủ tịch UBND quận phát biểu tại Hội thảo
Những năm qua, các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về giáo dục đào tạo luôn được Quận Ngô Quyền cụ thể hóa trong các văn kiện Đại hội Đảng, các chương trình hành động, các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội gắn với trách nhiệm cụ thể của từng tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp.
Trên địa bàn quận, quy mô mạng lưới các cơ sở giáo dục không ngừng gia tăng về số lượng: năm 2000, toàn quận có 41 cơ sở giáo dục, sau 20 năm (giai đoạn từ năm 2020 đến 2023) có 62 cơ sở, trong đó: cơ sở công lập được sắp xếp kiện toàn từ 37 thành 33 cơ sở; cơ sở ngoài công lập được chú trọng tăng nhanh từ 4 cơ sở tăng lên 27 cơ sở. Số lượng học sinh tăng từ 27.000 lên 40.000 học sinh các cấp. Đội ngũ giáo viên khối phổ thông có trình độ chuẩn và trên chuẩn cao hơn mặt bằng chung của thành phố. Chất lượng giáo dục đào tạo liên tục phát triển, luôn duy trì và giữ vững vị trí tốp 3 đơn vị đứng đầu thành phố. Giáo viên tham gia các kỳ thi đều có thành tích cao, đứng ở tốp đầu của thành phố và nhiều năm dẫn đầu thành phố. Đặc biệt, hằng năm học sinh quận Ngô Quyền đều có từ 01 đến 02 em đạt Giải Quốc tế.
Theo đó, Quận Ngô Quyền mong muốn nhận được sự tham gia, đóng góp của các nhà khoa học, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo, các nhà quản lý giáo dục,… để nhận diện đúng các điểm nghẽn, những trở ngại mà giáo dục,đào tạo quận hiện nay đang vướng mắc, thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, bất cập và những vấn đề thực tiễn đặt ra. Từ đó có định hướng cụ thể, đề ra những mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp để phát triển giáo dục và đào tạo quận trong giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2045; góp phần thực hiệnthành công các chương trình hành động của Quận ủy thực hiện Nghị quyết số 29 ngày 4-11-2013 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Tại Hội thảo, các ý kiến tham gia tập trung vào các vấn đề liên quan đến: Quy hoạch mạng lưới trường, lớp; xây dựng trường trọng điểm, trường chuẩn quốc gia, trường quốc tế với các giải pháp về tổ chức và quản lý nhà trường, phát triển đội ngũ, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, chương trình, phương pháp giáo dục, tổ chức các hoạt động giáo dục, kết quả giáo dục…; Giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học, đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá và kết nối trường học một cách sáng tạo, thiết thực và hiệu quả…; Giải pháp về phát triển đội ngũ nhà giáo và định hướng nghề nghiệp…
Đ/c Trần Thị Hồng Hiệp - Trưởng phòng Phòng GD&ĐT nêu các vấn đề về Quy hoạch mạng lưới trường, lớp và quản lý nhà nước về giáo dục
Đ/c Đỗ Mai Hương - Hiệu trưởng Trường THCS Lạc Viên nêu các giải pháp xây dựng hệ thống trường trọng điểm, chất lượng thuộc tốp đầu thành phố
Đ/c Phạm Thị Diện - Hiệu trưởng trường Tiểu học Chu Văn An đề xuất Giải pháp đổi mới phương pháp dạy học, thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông mới
Đ/c Phạm Văn Quân - Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An nêu Giải pháp đổi mới phương thức tổ chức dạy học, tập trung nâng cao chất lượng bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu
Nhằm mục tiêu phát triển sự nghiệp Giáo dục và đào tạo một cách đồng bộ, cân đối cơ cấu và quy mô, hình thức học tập đa dạng, đáp ứng nhu cầu học tập thường xuyên, suốt đời của Nhân dân, hướng tới “xây dựng xã hội học tập”, Quận Ngô Quyền đặt ra mục tiêu, trong giai đoạn 2023-2025: 90% cán bộ quản lý, giáo viên (tính cả khối ngoài công lập) có trình độ đào tạo đạt chuẩn; 35% cán bộ quản lý, giáo viên có trình độ đào tạo trên chuẩn theo Luật Giáo dục 2019; 70% các trường Mầm non triển khai chương trình cho trẻ làm quen với tiếng Anh; 100% học sinh các trường Tiểu học được học chương trình tiếng Anh tự chọn; xây dựng thêm 02 trường đạt chuẩn quốc gia, xây dựng mỗi cấp học (từ Mầm non đến THCS) có từ 01 đến 02 trường có chất lượng tốp đầu thành phố.
Giai đoạn 2025-2030, phấn đấu 100% cán bộ quản lý, giáo viên (tính cả khối ngoài công lập) có trình độ - đào tạo đạt chuẩn; 40% cán bộ quản lý, giáo viên có trình độ đào tạo trên chuẩn theo Luật Giáo dục 2019; 100% cán bộ quản lý (khối công lập) có bằng Đại học chính quy hoặc Thạc sĩ trở lên; 80% các trường Mầm non triển khai chương trình cho trẻ làm quen với tiếng Anh; duy trì 100% học sinh các trường Tiểu học được học chương trình tiếng Anh tự chọn; xây dựng thêm 01 trường đạt chuẩn quốc gia, 01 trường quốc tế; phấn đấu mỗi cấp học (từ Mầm non đến THCS) có từ 02 đến 03 trường chất lượng vào tốp đầu thành phố; huy động nguồn lực xây dựng Trường THPT Thái Phiên đạt chuẩn quốc gia. Đến năm 2045, Quận Ngô Quyền trở thành Trung tâm Giáo dục và đào tạo của thành phố, các cơ sở giáo dục được xây dựng đồng bộ theo hướng văn minh, hiện đại.